Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Đạo giáo
bụi hồng 倍紅
dt. dịch chữ hồng trần 紅塵, bụi đỏ, nghĩa ban đầu trỏ bụi bay do xe cộ đi lại. Ban Cố trong Tây Đô Phú có câu: “bụi hồng khắp nổi, mây khói cùng chen” (紅塵四合,烟醞相連 hồng trần tứ hợp, yên uẩn tương liên). Sau bụi hồng để trỏ chốn phồn hoa đô hội. Từ Lăng nhà trần đời Nam Triều trong Lạc Dương đạo ghi: “Dặm liễu ba xuân thẳm, bụi hồng bách trò xôn.” (緣柳三春暗,紅塵百戲多 duyên liễu tam xuân ám, hồng trần bách hý đa). Sau Đạo giáo và Phật giáo dùng chữ “bụi hồng” để trỏ cái nhân thế ô tạp khổ ải. Giả Trọng Danh trong bài Kim an thọ có câu: “Chàng bằng nay lên chốn mây đỏ, đến nơi cửa khuyết, bước chốn dao đài, so với cõi hồng trần hẳn là một lần cảnh giới.” (你如今上丹霄,赴絳闕,步瑤台,比紅塵中别是一重境界). Thân nhàn dạo khắp tây đông, đường tới mười thu khỏi bụi hồng. (Thuật hứng 62.2).
Cửu tiêu 九霄
dt. chín tầng mây, có khi được ví với triều đình, Đạo giáo coi đó là cõi tiên. Lý Bạch trong bài Minh đường phú có câu: “Sánh cột trời kìa Côn Sơn, vọt Cửu tiêu mà buông mây xuống.” (比乎崑山之天柱,矗九霄而垂雲). Vương Kỳ chua: xét theo sách Đạo giáo, Cửu tiêu gồm Xích tiêu 赤霄, Bích tiêu 碧霄, Thanh tiêu 青霄, Giáng tiêu 絳霄, Linh tiêu 黅霄, Tử tiêu 紫霄, Luyện tiêu 練霄, Huyền tiêu 玄霄, Tấn tiêu 縉霄. Lại có thuyết nói rằng Thần tiêu 神霄, Thanh tiêu 青霄, Bích tiêu 碧霄, Đan tiêu 丹霄, Cảnh tiêu 景霄, Ngọc tiêu 玉霄, Lang tiêu 琅霄, Tử tiêu 紫霄, Hoả tiêu 火霄. Đại địa dày, Nam Nhạc khoẻ, Cửu tiêu vắng, Bắc Thần cao. (Thuật hứng 66.4).
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.
Liêm Khê 濂溪
dt. Chu Liêm Khê 周濂溪 (1017-1073) nổi tiếng về việc đưa tư tưởng Đạo giáo vào đạo học. Tống Sử chép: “Chu Đôn Di 周敦頤, tự là Mậu Thúc 茂叔, người ở Doanh Đạo 營道, thuộc Đạo Châu 道州 (nay là huyện đạo 道, thuộc Hồ Nam 湖南). Tên ban đầu là Đôn Thực 敦實, nhưng để tránh tên huý cũ của vua anh tông nên đổi là di 頤. Nhờ người chú tên Trịnh Hướng 鄭向, là học sĩ ở Long Đồ Các 龍圖閣 nên Chu Đôn Di làm chức chủ bạ ở huyện Phân Ninh 分寧 (nay là huyện tu thuỷ 修水, giang tây)… do bệnh tật, ông xin về an trí ở nam khang quân 南康軍, nhân đó làm nhà bên chân núi liên hoa trong rặng lư sơn. Phía trước nhà có dòng suối chảy vào sông bồn, nên ông dựa theo nơi cư ngụ ở doanh đạo mà lấy tên là Liêm Khê 濂溪… khi mất, thọ 57 tuổi. Hoàng Đình Kiên 黃庭堅 khen: “nhân phẩm đôn di rất cao, lòng thênh thang như gió trong trăng tỏ… ông viết thái cực đồ thuyết để làm rõ gốc gác của thiên lý và nghiên cứu đầu đuôi của vạn vật.” Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực, dòng nước Liêm Khê lục nữa tràm. (Tự thán 97.6).
lão hạc 老鶴
dt. con hạc già, tên bài thơ số 248 trong QATT. Hạc là con vật có tuổi thọ, bay cao, thường được coi là loài chim thiêng, là vật cưỡi của các vị tiên trong truyền thuyết của Đạo giáo.
tây tối 私最
dt. <từ cổ> chỗ riêng tây tối tăm, trỏ cõi lòng sâu kín chỉ có mình và thần linh biết được. Khổng Tử nói: “quân tử cẩn thận với riêng mình” (君子慎其獨 quân tử thận kỳ độc). Sách Lễ Ký ghi: “Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng, không gì hiện rõ hơn chỗ tế vi, cho nên, quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình” (莫見乎隱,莫顯乎微,故君子慎其獨也 mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã). Sách Trung Dung có đoạn: “cái trời ban thì gọi là tính, noi theo tính là đạo, tu đạo thì gọi là giáo. Đạo chẳng thể rời bỏ chốc lát, đã rời đi tí thì ấy chẳng phải là đạo vậy. Cho nên, quân tử răn dè ở chỗ không ai nhìn thấy, sợ sệt ở chỗ không ai nghe thấy. Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng; không gì hiển rõ hơn chỗ tế vi. Cho nên quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình…” (天命之謂性,率性之謂道, 修道之謂教。道也者,不可須臾離也,可離非道也。是故君子戒慎乎其所不睹,恐懼乎其所不聞。莫見乎隱,莫顯乎微。故君子慎其獨也…). Chu Tử lại chua: “ẩn” là chỗ mờ tối, “vi” là những việc nhỏ nhặn. “độc” là chỗ người không biết mà chỉ có riêng mình biết mà thôi. Ý nói: những việc tế vi trong chỗ u ám, tuy rằng chưa hiện ra mà cơ hồ đã mảy phát rồi. Tuy rằng người chưa biết, nhưng mình đã biết thì mọi việc trong thiện hạ không có gì hiện lộ rõ ràng mà vượt qua cả điều đó. Cho nên, quân tử vốn luôn răn dè mà ở chỗ đó lại càng thêm cẩn thận. Nên phải át chế nhân dục lúc sắp nảy mống, không để nó ngấm ngầm trầm trệ ở chỗ ẩn vi để đến nỗi phải xa lìa cái đạo vậy!” (隠暗處也㣲細事也獨者人所不知而已所獨知之地也言幽暗之中細㣲之事跡雖未形而㡬則已動人雖不知而已獨知之則是天下之事無有著見明顯而過於此者是以君子既常戒懼而於此尤加謹焉所以遏人欲於将萌而不使其潛滋暗長於隠㣲之中以至離道之逺也) [Tứ thư chương cú tập chú - Trung Dung chương cú]. Đến đây, ta đã tìm được mối dây liên hệ để giải mã cho từ tư tối. Chữ (riêng) được dùng để dịch cho chữ độc 獨 (riêng mình) trong các văn bản nho gia như Lễ Ký, Trung Dung, Đại Học. Chữ tối được dùng để dịch chữ ẩn 隠 (chỗ u ám, sâu kín, tức cõi lòng) theo cách chú giải của Chu Tử trong Tứ thư chương cú tập chú. Sách Giác thế kinh của Đạo giáo có câu: “Cho nên người quân tử ba sợ bốn biết để cẩn thận với chính mình, chớ nói rằng tâm ta như góc nhà tối mà coi thường, chỗ dột trong góc nhà ấy thực đáng xấu hổ, nhất động nhất tĩnh đều do thần minh giám sát, phải coi đó là chỗ chỗ mười mắt nhìn vào mười tay trỏ vào, thế thì mới đến được cái lý vậy.” (故君子三畏四知、以慎其獨、勿謂暗室可欺、屋漏可愧、一動一静、神明鑒察、十目十手,理所必至) [TT Dương 2011c]. Há chẳng biến dời cùng thế thái, những âu tây tối có thần minh. (Tự thán 96.4). x. tây. pb tư túi.